NƯỚC LÀ YẾU TỐ QUAN TRỌNG BẬC NHẤT TRONG NGÀNH GIẶT LÀ

Giặt là hoạt động sử dụng nước làm môi trường, hóa chất (hoặc bột giặt) và lực cơ học làm tác nhân để làm sạch quần áo. Tuy nhiên, để thực hiện nguyên lý cơ bản này cho ra một dịch vụ giặt là chất lượng lại yêu cầu không ít các bước kỹ thuật, ngoài ra cũng cần hiểu biết về các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng để đảm bảo tối đa hóa các điều kiện cho việc giặt tẩy. SMC LAUNDRY xin chia sẻ một số thông tin về các yếu tố trong ngành giặt là qua loạt bài “Giặt tẩy và những vấn đề liên quan”

Chất lượng nước là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng đồ giặt. Trong quá trình giặt, nước đóng vai trò là dung môi với nhiệm vụ tách và hòa tan những hợp chất trong vết bẩn ra khỏi quần áo.

Những yếu tố sau đây cần phải quan tâm khi giặt:

–      Nước lý tưởng cho giặt là.

–      Sức căng bề mặt

–      Độ cứng trong nước

–      Hàm lượng kim loại trong nước

1. Nước “lý tưởng” cho giặt là

Đặc điểm “lý tưởng” của nước sẽ mang lại hiệu quả giặt tẩy tốt nhất do nó giúp hoà tan và phát huy hoàn toàn hiệu quả các các loại hóa chất giặt là. Đặc điểm của loại nước “lý tưởng” trong giặt là được dẫn ra như dưới đây:

Giá trị
Độ cứng nhỏ  hơn 4-5°dH
pH 7.0-7.5
Sắt nhỏ hơn 0.1 mg/l
Mangan nhỏ hơn 0.05 mg/l

Việc phân tích chất lượng đầu vào của nước trong dịch vụ giặt là là rất quan trọng. Nếu nước có độ cứng cao, việc sử dụng các loại thiết bị làm mềm nước tự động cần phải được xem xét sử dụng.

2. Sức căng bề mặt của nước

Nước sạch có sức căng bề mặt lớn, do vậy, nó sẽ rất khó xâm nhập vào giữa sợi vải và vết bẩn. Khả năng xâm nhập vào giữa các sợi vải và vết bẩn là rất quang trọng vì nó sẽ tạo ra môi trường dung môi cho các loại hóa chất hòa tan và kéo bật vết bẩn ra khỏi quần áo. Việc sức căng bề mặt lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả giặt tẩy sau này.

Việc thêm vào các hợp chất hoạt động bề mặt vào nước sẽ giúp làm giảm sức căng của nước và do đó làm tăng hiệu quả giặt tẩy trong nước. Hiện nay, các hợp chất bề mặt thành một thành phần không thể thiếu trong các loại hóa chất và bột giặt.

3. Độ cứng

Nước là loại dung môi đa năng nhất trên trái đất, có khả năng hòa tan được rất rất nhiều các hợp chất. Đây là một tính chất tuyệt vời nhất của nước mà không có một chất nào có được. Tuy nhiên, do khả năng hòa tan tuyệt vời này, nước lại mang đến một rắc rối cho việc kiểm soát chất lượng đồ giặt, rắc rối này mang tên “độ cứng”.

Độ cứng của nước được hiêu nôm na là sự xuất hiện của các muối Canxi và Magie.  Nồng độ của các muối này, do đó được coi là thang đo độ cứng trong nước, đơn vị là ppm hay dH (Deutsche Harte). Nước có độ cứng 1dH sẽ chứa 10 mg CaO trong 1 lít nước, 1 dH tương đương 17,848 mg CaCO3 trong 1 lít nước hay 17,848 ppm.

Độ cứng, mềm của nước được đưa ra trong bảng giá dH sau đây:

Loại nước Giá trị dH
– Nước mềm 0-6°
– Nước cứng vừa 7-13°
– Nước cứng nặng 14-20°

Hiệu quả giặt tẩy của các loại hóa chất sẽ bị giảm khi nó được hòa tàn trong nước có độ cứng cao. Nguyên nhân này do các tác nhân gây độ cứng trong nước (muối canxi, magie carbonat) tác dụng với các chất hoạt động bề mặt trong hóa chất giặt tẩy gây ảnh hưởng tới khả năng giảm sức căng bề mặt trong nước và dẫn tới hiệu quả loại bỏ và hòa tan vết bẩn thấp.

Ngoài ra, các tác nhân này khi phản ứng với hóa chất, có xu hướng tạo các muối carbonat hoặc sunfat kết tủa, bám trên bề mặt của đồ giặt, làm giảm độ sáng và gây ra các hiện tượng ố, vàng và xỉn màu. Tác nhân độ cứng cũng có thể làm giảm hiệu quả làm mềm đồ giặt và đôi khi các phản ứng còn gây ra các mùi khó chịu.

Thêm vào đó, hoạt động trong điều kiện nước cứng còn làm tăng chi phí vận hành thiết bị do phải thường xuyên vệ sinh để loại bỏ các cặn cứng trong máy giặt. Trong điều kiện nước quá cứng, thiết bị làm mềm nước chắc chắn phải được sử dụng để đảm bảo chất lượng đồ giặt của khách hàng cũng như bảo vệ độ bền của thiết bị. Hiện nay trên thị trường, thiết bị làm mềm nước chủ yếu dựa trên phương pháp lọc trao đổi ion, tách các ion Ca2+  và Mg2+ ra khỏi nước! Chi phí để đầu tư và vận hành loại thiết bị tương đối cao, song khi xem xét và phân tích trong điều kiện sử dụng lâu dài sẽ thấy tính khả thi cao do tiết kiệm được hóa chất và nâng cao chất lượng dịch vụ giặt là

4. Tính kiềm

Tính kiềm/tính axit trong nước được xác định bằng giá trị pH, là giá trị tính bằng logarit của nồng độ ion H+ trong nước.

Các chất tạo kiềm là các muối kim loại Kiềm, rất quan trọng trong việc giặt tẩy do nó có khả năng loại bỏ bụi bẩn khỏi sợi vải mà không cần chà, đập, tẩy quá mức. Muối hòa tan của Kali hay Natri tẩy dầu mỡ rất tốt, do chúng tạo thành nhũ tương các hạt dầu và huyền phù trong nước. Các hạt này không còn khả năng bám trên quần áo và sẽ theo nước xả toàn bộ ra ngoài.

5. Kim loại nặng

Do tính chất dung môi đa năng của nước, nước có chứa rất nhiều ion kim loại, trong đó sắt và mangan là những kim loại ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giặt là. Khi nồng độ của 2 ion này trong nước cao, nó sẽ gây ra những vấn đề như:

–      Kết tủa trên bề mặt và làm mất màu đồ giặt

–      Gây hại cho sợi vải

Đây cũng là một tác nhân như độ cứng, gâyảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đồ giặt. Việc loại bỏ các ion này có phần tương đối đơn giản hơn do có thể sử dụng các biện pháp như làm thoáng, lọc cát, lọc ngược.

Để giặt các loại vết bẩn bị loang màu do ion sắt trong nước cần xử lý tẩy điểm bằng các loại hóa chất tẩy gỉ đặc biệt, loại hóa chất này thường chứa 2% axit oxalic!